Mô tả sản phẩm
Thiết kế
Trung thành với lối thiết kế "nồi đồng cối đá" của các laptop Thinkpad từ trước đến nay, chiếc Thinkpad L380 vẫn sở hữu ngoại hình vuông vức, chắc chắn và cứng cáp, có phần nam tính, đúng chất của một cỗ máy chuyên dụng cho công việc. Bên cạnh màu đen nhám phủ nhung dạng soft touch truyền thống, máy có thêm tùy chọn màu xám bạc với lớp vỏ kim loại khá bắt mắt, tạo được nét mới lạ.
Thinkpad L380 có trọng lượng 1.46 kg, khá mỏng nhẹ với một mẫu laptop 13.3 inch, đủ gọn gàng để mang theo công tác xa mà không gây cồng kềnh vướng víu. Nhà sản xuất cũng có một số tinh chỉnh như vát bớt các cạnh viền hay thân máy để chiếc laptop này trông thon gọn, thanh thoát hơn, phù hợp với xu hướng di động hiện nay.
Màn hình
Xu hướng viền màn hình mỏng đang phổ cập trên các smartphone và cả latop nhưng với Thinkpad L380, Lenovo vẫn kiên định giữ lại phần màn hình viền dày truyền thống khiến sản phẩm có phần kém bắt mắt, bù lại, chất lượng hiển thị tốt, màu sắc tươi tắn, góc nhìn rộng, tương phản ổn.
Độ phân giải HD trên kích thước 13.3 inch đảm bảo độ sắc nét, chi tiết cao. Độ sáng của màn hình ở mức trung bình, tạm đủ dùng trong nhà hoặc ngoài trời dưới bóng râm.
Hầu hết các laptop Thinkpad đều có thể mở góc màn hình tới 180 độ và L380 cũng không phải ngoại lệ. Điều này giúp máy có thể điều chỉnh góc nhìn linh hoạt và phù hợp sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Trên L380, Lenovo còn bổ sung thêm tính năng cứ khi mở màn hình là tự động bật máy, không cần nhấn thêm nút nguồn khá tiện lợi.
Loa
Tuy không nhấn mạnh về giải trí nhưng hệ thống loa trên Thinkpad L380 đủ tốt để đảm đương việc nghe nhạc, xem phim với âm lượng lớn, trong trẻo, chất âm ấm áp, có tích hợp công nghệ Dolby Audio để tự động tối ưu âm thanh cho từng tình huống giải trí hay kể cả công việc, hội thoại, chat voice, video call.
Bàn phím, touchpad
Bàn phím của máy Thinkpad L380 cho hành trình tốt, phím bấm độ nảy cao, bám tay, gõ nhanh cũng không bị dính chữ, các phím bấm bố trí hợp lý, hiện tượng flex (lún phím) khi nhấn mạnh được hạn chế tốt. Chữ in trên các phím sắc nét, phông chữ đẹp mắt, bàn phím rộng rãi, thao tác thuận tiện.
Một lưu ý là trên L380, Lenovo vẫn giữ lại kiểu bố trí phím chức năng Fn ở ngoài cùng theo phong cách Thinkpad từ trước đến nay nên nếu bạn không quen có thể sẽ dễ gõ nhầm với phím Ctrl bên cạnh, may mắn là nhà sản xuất cho phép đảo vị trí 2 phím này với nhau trong phần mềm Lenovo Vantage.
Touchpad được làm với kích thước lớn, rộng rãi, phủ kính, cho độ nhạy cao, trơn mịn, không rít tay. Touchpad trên L380 có hỗ trợ driver Microsoft Precision nên cho phép nhiều thao tác đa điểm mượt mà, nhất là thao tác phóng to, thu nhỏ trên trình duyệt Edge. Nếu chỉ sử dụng các tác vụ văn phòng, chỉnh sửa ảnh cơ bản, touchpad trên máy hoàn toàn có thể thay thế tốt chuột gắn ngoài.
Phím Trackpoint đặc sản trên các laptop Thinkpad tiếp tục xuất hiện, Trackpoint sẽ cho phép bạn điều khiển chuột mà không phải nhấc ngón tay khỏi bàn phím, từ đó nâng cao tối đa hiệu suất làm việc và gõ phím, tuy nhiên, để thuần thục việc sử dụng Trackpoint sẽ cần khá nhiều thời gian.
Cổng kết nối
Khả năng kết nối trên Thinkpad L380 tương đối phong phú với 2 cổng USB-A 3.1 Gen 1 truyền thống (1 cổng dạng luôn thức - Always On - hỗ trợ sạc cho các thiết bị ngoại vi kể cả khi tắt máy), máy có tới 2 cổng USB-C 3.1 Gen 1, trong đó 1 cổng kiêm luôn nhiệm vụ cắm sạc và cả 2 đều hỗ trợ xuất hình ảnh, truyền dữ liệu, truyền điện theo chuẩn Power Delivery nên có thể cắm cả các loại pin sạc dự phòng tương thích, 1 cổng HDMI 1.4, 1 cổng combo tai nghe/ mic.
Dù vậy, kết nối trên L380 vẫn tồn tại một số bất tiện khi sử dụng cổng mạng dây chuẩn Mini RJ-45 không phổ biến. Máy không đi kèm adapter chuyển đổi sang chuẩn mạng RJ-45 thông thường mà người dùng sẽ phải mua ngoài. Đầu đọc thẻ nhớ trên L380 chỉ hỗ trợ thẻ microSD, loại thẻ chủ yếu được lắp cố định trên điện thoại thay vì thẻ SD thông dụng hơn, thường được dùng trên các máy ảnh hiện nay.