Việc mở công ty kinh doanh không còn là điều xa lạ đối với người Việt Nam tại Nhật Bản. Đặc biệt là các bạn du học sinh, thực tập sinh sau một thời gian gắn bó với Nhật Bản và nhận ra tiềm năng kinh doanh tại đất nước này. Nhưng để nắm rõ thủ tục, quy trình để chuẩn bị tốt nhất, tránh mất quá nhiều thời gian và chi phí thì không phải ai cũng thực sự hiểu. Trong bài viết này, Hoàng Hải Mobile sẽ chia sẻ các điều kiện cơ bản để thành lập công ty và xin visa kinh doanh, cùng với những kinh nghiệm đáng lưu ý rút ra từ chính trường hợp của Hoàng Hải Mobile.
Thành lập công ty sẽ bao gồm 3 yếu tố chính: Nguồn tiền – Cơ sở vật chất – Con người.
I. NGUỒN TIỀN:
Để xem xét có khả năng thành lập doanh nghiệp tại Nhật bạn cần chứng minh được tài chính cá nhân thoả các điều kiện bên dưới:
- Tài khoản cá nhân tại Nhật có ít nhất 500 man
(Không nên để nhiều hơn 500 man, vì sẽ khó khăn hơn trong việc chứng minh nguồn tiền ở bước sau)
- Chứng minh nguồn tiền đến từ đâu.
Việc du học sinh đi làm thêm và tiết kiệm được số tiền trên là không thể. Nên đa phần mọi người sẽ chọn cách dễ dàng hơn là chứng minh nguồn tiền được mượn từ bố mẹ. Lưu ý ghi rõ là tiền được cho mượn, vì theo luật Nhật Bản, nếu bạn nhận được một số tiền lớn như vậy sẽ phải đóng 30% thuế.
Trường hợp bạn chọn cách chứng minh nguồn tiền từ bố mẹ cho mượn, bạn cần cung cấp các giấy tờ sau:
- Chứng từ vay mượn (luật sư sẽ hướng dẫn cách làm giấy tờ này)
- Báo cáo thu nhập của bố mẹ (Bảng lương hoặc giấy tờ đóng thuế trong 3 năm gần nhất. Nếu không có công việc cụ thể thì có thể chứng minh thông qua việc bán bất động sản, cố phiếu...)
- Số tiền cho mượn cần được chuyển khoản từ ngân hàng Việt Nam sang ngân hàng Nhật.
*Tất cả giấy tờ tiếng Việt sẽ cần dịch sang tiếng Nhật.
II. CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ KẾ HOẠCH KINH DOANH
Tùy thuộc vào loại hình công ty (Trách nhiệm hữu hạn/ Tư nhân/ Cổ phần/ Hợp danh) và ngành nghề kinh doanh mà Cục Xuất Nhập Cảnh sẽ cần bạn bổ sung những giấy tờ liên quan.
Ví dụ một số giấy tờ mà công ty Hoàng Hải được yêu cầu cung cấp như bên dưới:
- Nguồn hàng sẽ được nhập từ đâu, hợp đồng 2 bên.
- Đối tượng khách hàng và vị trí kinh doanh.
- Hợp đồng thuê mặt bằng/ văn phòng.
- Cửa hàng/ Văn phòng cần bố trí những vật dụng tối thiểu như máy tính, bàn ghế văn phòng...
- Giấy phép công ty và các giấy phép liên quan đến ngành nghề kinh doanh. (Đây là điểm đáng lưu ý, bạn nên tìm hiểu kĩ các loại giấy phép liên quan để tránh bị phạt vì không đăng kí trước khi đi vào kinh doanh chính thức. Ví dụ trong trường hợp của Hoàng Hải, cần thêm giấy phép kinh doanh đồ cũ, giấy phép kinh doanh sim...)
III. CON NGƯỜI
- Cần ít nhất 2 nhân sự dự định shyu vào công ty (Có thể là các bạn đang học cao đẳng, đại học sắp tốt nghiệp, nhận naite vào công ty).
- 1 nhân sự làm thêm bán thời gian.
- Người đăng kí visa kinh doanh nên tốt nghiệp chuyên môn có liên quan đến ngành nghề kinh doanh sắp tới.
- Tỉ lệ đi học của người đăng ký visa kinh doanh nên trên 90%. Nếu từ khoảng 80% thì sẽ cần giải trình lí do tại sao tỉ lệ đi học thấp như vậy. Cục Xuất Nhập Cảnh cũng sẽ xét tới số giờ làm thêm trong khoảng thời gian đó. Bạn không thể vừa đi làm ít, lại không đến trường học được.
-------
Một số lưu ý mà Hoàng Hải nghĩ bạn nên thực sự hiểu và chuẩn bị trước khi bắt tay vào thành lập công ty:
- Việc mở công ty và xin visa kinh doanh chỉ thực sự là phương án tốt nếu bạn có đam mê kinh doanh và có kế hoạch tương lai rõ ràng, nguồn vốn ổn định.
- Việc mở của hàng tốn rất nhiều chi phí phát sinh nhưng chưa chắc bạn đã xin được visa thành công, kể cả khi bạn đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư thiết kế và mở cửa hàng.
- Nếu bạn chỉ muốn xin visa sau đó đi làm bên ngoài, thì nên cân nhắc thật kĩ. Vì nếu doanh thu từ công ty không có thì khả năng không thể gia hạn visa là rất cao.
Hi vọng bài viết này sẽ đem lại một cái nhìn tổng quan và giúp ích phần nào cho hành trình phía trước của bạn. Chúc bạn thành công!